Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2016

Một số chỉ số về Oxy máu động mạch cơ bản

MỘT SỐ CHỈ SỐ VỀ OXY MÁU

1.   FiO2 (fraction of inspired oxygen)
            - FiO2 là thuật ngữ y học chỉ nồng độ oxy trong hỗn hợp khí thở vào (fraction of inspired oxygen).
            - Thở thêm oxy tức liệu pháp oxy (tăng FiO2) được chỉ định trong nhiều bệnh và ở một số bệnh nhân (nhất là sau mổ) giúp đề phòng và điều trị thiếu oxy máu (do tăng áp lực riêng phần oxy trong phế nang làm tăng tốc độ khuyếch tán oxy từ đó vào mao mạch phổi). Thở thêm oxy không điều trị được căn nguyên mà chỉ giúp cải thiện mức oxy trong máu động mạch. Một số nghiên cứu gần đây thấy thở oxy làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ và giảm nôn, buồn nôn sau mổ


              - FiO2 thay đổi từ 0 (0%) đến 1 (100%). FiO2 trong không khí là 0.21 (21%). Ở trên cao, FiO2 vẫn là 0.21 nhưng vì áp lực khí quyển giảm nên áp lực riêng phần oxy (FiO2 ´ áp lực khí quyển) cũng giảm, dẫn đến thiếu oxy máu.

FiO2 trong máy thở được đặt và đo chính xác bằng bộ vi xử lý. Trong liệu pháp oxy, bệnh nhân tự thở nên hít cả oxy lẫn khí trời, dẫn đến FiO2 thay đổi qua các dụng cụ thở oxy và lưu lượng oxy

        - Các nguyên tắc dùng oxy liệu pháp:

                +  Trừ khi suy hô hấp nặng, luôn bắt đầu dùng hệ thống đơn giản nhất.

                + Các mặt nạ, nhất là mặt nạ có túi dự trữ oxy, chỉ được dùng ở bệnh nhân rất thiếu oxy máu nhưng tự thở tốt.
                + Kiểm soát hiệu quả thở oxy bằng đo bão hoà oxy máu ngoại vi (SpO2) hoặc áp lực riêng phần oxy máu động mạch (PaO2). Điều chỉnh lưu lượng oxy sao cho SpO2 ≥ 94% hoặc PaO2 ≥ 70 mmHg.
                + Theo dõi hiệu quả và sự dung nạp oxy liệu pháp dựa trên tình trạng tri giác, nhịp tim, nhịp thở và khí máu.
                + Ở bệnh nhân có bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc hen, luôn bắt đầu bằng lưu lượng oxy thấp 1-2 lít/phút để đề phòng ưu thán và toan hô hấp do oxy ức chế thở.
                + Không dùng oxy làm nguồn áp lực tạo khí dung.
                + Khí thở vào có thể không cần làm ấm và ẩm nếu dùng < 6 lít/phút ở người lớn nhưng luôn cần làm ấm và ẩm ở trẻ em.
                + Các bộ phận khí dung và làm ẩm là nguồn gây nhiễm trùng phổi nặng nên cần dùng một lần hoặc được tiệt trùng bảo đảm.
           - Các biến chứng của oxy:

                   + Xẹp phổi do hấp thu oxy trong phế nang

                   +  Cháy nổ
                   +  Giảm thông khí gây ưu thán
                   +  Giảm hoạt động làm sạch của niêm mạc nhày đường thở khi tiếp xúc lâu với FiO2 > 50% (giảm hoạtđongj 40% khi tiếp xúc 9 giờ với FiO2 70%).
                  +  Viêm khí phế quản (đau sau xương ức, ho, thở nhanh) khi tiếp xúc > 12 giờ với FiO2 cao.
                  + Loạn sản phế quản phổi và xơ hoá võng mạc ở trẻ sơ sinh
                  +  Rối loạn chức năng thần kinh trung ương khi thở oxy cao áp
                  +  Ngộ độc oxy phổi do xơ phổi kẽ làm thiếu oxy máu nặng thêm khi thở FiO2 > 50% kéo dài trên 48 giờ.

2.   SpO­2 = Saturation of Peripheral Oxygen: >90% (94-100%)
          Tỷ lệ HbO2/ (HbO2+Hb) gọi là độ bão hòa oxy trong  máu SpO2, nói cách khác là tỷ lệ phần trăm hemoglobine của máu kết hợp với Oxy.
         Đo bão hoà oxy máu dựa vào nguyên lý là hemoglobin gắn oxy (oxyhemoglobin: HbO2) và hemoglobin khử (deoxyhemoglobin) khác nhau về sự hấp thụ các dải bước sóng hồng ngoại. Do vậy, thay đổi về hấp thụ ánh sáng trong các nhịp đập của động mạch là cơ sở của đo độ bão hoà oxy. Tỷ lệ hấp thụ các dải bước sóng hồng ngoại khác nhau được một bộ vi xử lý phân tích để cho mức bão hoà oxy (SpO2) và nhịp đập của động mạch được xác định bằng đo thay đổi thể tích máu trong lòng mạch.
          SpO2 có mối tương quan chặt chẽ với SaO2 (bão hoà oxy đo bằng xét nghiệm khí máu động mạch). Đường biểu diễn sự phân ly oxy-hemoglobin tức mối tương quan giữa SpO2 và áp lực riêng phần oxy máu động mạch (PaO2) có dạng xích ma. SpO2 < 90% tương ứng với PaO2 < 65 mmHg nhưng SpO2 99-100% thì không rõ PaO2 là bao nhiêu trong khoảng 100-500 mmHg
3.  PaO2 (pressure of arterial oxygen) :phân áp oxy máu động mạch:
    - Bình thường ở người trẻ, người trưởng thành PaO2 = 85 – 100mmHg, chiếm 95 – 98% tổng lượng oxy có trong má
    - PaO2 tăng: khi áp lực riêng phần O2 máu phế nang tăng.
    - PaO2 giảm: do giảm thông khí, giảm khuếch tán và mất cân bằng tỷ lệ Va/Q (thông khí/lưu lượng máu).
4. SaO2(arterial oxygen saturation): độ bão hòa oxy chức năng (functional oxygen saturation):
  - SaO2 là dạng kết hợp của oxy với hemoglobin
  - Bình thường: SaO2 = 95 – 97% (95 – 99% nếu pH = 7,38 – 7,42; PaO2= 97%, PaCO2 = 40 mmHg).
  - Khi SaO2 giảm, nhỏ hơn 50% thì ái lực gắn của oxy với Hb giảm mạnh.

Tóm lại

FiO2 (fraction of inspired oxygen):  nồng độ oxy trong hỗn hợp khí thở vào (quan tâm đến việc thở Oxy bao nhiêu cho phù hợp) (0-100%)
SpO2(Saturation of Peripheral Oxygen): (94% – 100%) Độ bão hòa Oxy máu ngoại biên (mao mạch) (được đo gián tiếp bằng mạch đập) có mối liên quan với SaO2, thường được sử dụng tuy nhiên trong những trường hợp BN shock, Hb thấp, HA tâm thu thấp , SHH nặng thì SpO2 ít có giá trị, cần làm khí máu động mạch
SaO2(arterial oxygen saturation) (>94%) : Độ bão hòa Oxy trong máu động mạch (đo bằng khí máu động mạch)
PaO2 (pressure of arterial oxygen) (85-100 mmHg): áp lực riêng phần Oxy máu động mạch, khác với SpO2 và SaO2 là PaO2: cho biết lượng Oxy có trong máu (tạo ra 1 áp lực) (hòa tan trong máu – khả năng lấy Oxy từ môi trường của hệ hô hấp) còn 2 thông số kia cho biết về Oxy gắn với Hb (bão hòa), tức là đôi khi áp lực Oxy trong máu lớn nhưng không phải lúc nào cũng gắn đượcvới Hb chẳng hạn.



> Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...