Đó là những lời tâm sự của các bà mẹ có con từ 1 đến 3 tuổi, là lứa tuổi trẻ bắt đầu tập sống tự lập . Sau 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ giảm, do đó số lượng thức ăn theo nhu cầu cơ thể của trẻ cũng giảm. Để giúp trẻ ăn tốt trong lứa tuổi này, phụ huynh cần điều chỉnh theo nhu cầu thể chất, xã hội và cảm xúc của trẻ.
Trẻ có những biểu hiện khó ăn gì gây lo lắng cho người mẹ?
- Không thích một số lớn các thức ăn, mặc dù trước đó đã thích ăn.
- Từ chối ăn thử một số thức ăn mới.
- Không thích ăn thức ăn đặc, không chịu nhai, chỉ thích ăn thức ăn xay nhuyễn.
- Chỉ ăn vài muỗng thức ăn mà thôi.
- Không ngồi vào bàn ăn, nhưng chạy lăng xăng.
- Phải được dụ dỗ bằng cách cho xem quảng cáo trong truyền hình.
Cha mẹ cần biết những hiện tượng trên không ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng của trẻ hoặc gây suy dinh dưỡng trong một thời gian ngắn. Cha mẹ cần ý thức để điều chỉnh một số thói quen ăn uống không đúng cách càng sớm càng tốt.
Những kỹ năng ăn uống nào cần được khuyến khích?
Trẻ nhỏ từ 1 đến 3 tuổi học cách xoay sở, giao tiếp và kiểm soát một số khía cạnh trong đời trẻ. Khả năng tự ăn là một việc quan trọng để tập sống tự lập. Trẻ cần được khuyến khích trong các kỹ năng ăn uống sau đây:
- Tập uống bằng ly từ 12-18 tháng tuổi.
- Tập dùng muỗng tự ăn từ 15 tháng tuổi.
- Chế độ ăn với chất liệu đa dạng động viên trẻ nhai và phát triển vận động miệng.
- Ăn cơm chung với gia đình để khuyến khích khía cạnh xã hội của việc ăn uống và làm gương về cách ăn uống lành mạnh.
- Cho phép trẻ tự chọn món ăn.
- Cho trẻ tham gia vào việc chuẩn bị thức ăn.
Làm thế nào cha mẹ giúp trẻ ăn tốt?
Cha mẹ cần có sự tương tác tốt với con trong giờ ăn, có nghĩa là cùng chia sẻ trách nhiệm trong bữa ăn. Cha mẹ có trách nhiệm chọn thực phẩm an toàn và phù hợp với trẻ. Còn trẻ tự quyết định ăn bao nhiêu tùy sở thích và nhu cầu của trẻ. Hậu quả của việc không cho phép trẻ nhìn nhận và đáp ứng với dấu hiệu đói hay no là trẻ sẽ cảm thấy lo âu thay vì vui thích khi ăn và không tự điều hòa lượng thức ăn cần thiết.
Cha mẹ có thể làm những việc sau đây:
- Cho phép trẻ tự điều chỉnh việc ăn uống. Mỗi ngày trẻ được ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Trẻ có cơ hội tự quyết định ăn lúc nào và ăn bao nhiêu. Cha mẹ hãy tin tưởng trẻ có khả năng biết số năng lượng trẻ cần hằng ngày.
- Giới thiệu thức ăn đa dạng cho trẻ trước 2 tuổi.
- Cho trẻ lựa chọn giữa 2 loại thức ăn uống.
- Đừng bỏ cuộc khi trẻ từ chối thức ăn mới. Các nghiên cứu cho thấy có khi cần giới thiệu đến 15 lần để trẻ chấp nhận một thức ăn mới. Nên trộn ít thức ăn mới vào thức ăn quen thuộc để giúp trẻ chấp nhận thức ăn mới.
- Làm mẫu cho trẻ để trẻ bắt chước người lớn ăn. Nếu trẻ tin tưởng cha mẹ, thì trẻ cũng sẽ ăn thức ăn trẻ đã thấy cha mẹ dùng.
- Cho trẻ tham gia làm bếp trong những món ăn đơn giản. Có thể dùng dịp này để giới thiệu thức ăn mới và giảm sự đề kháng thay đổi của trẻ.
- Duy trì cách ăn uống đúng giờ giấc: tránh không cho trẻ ăn vặt giữa các bữa ăn , cũng như tránh cho trẻ uống nước ngọt và quá nhiều sữa.
Tóm lại, khi trẻ bắt đầu tự dùng ly và muỗng để ăn uống, trẻ đang phát triển tính tự lập trong cuộc sống và muốn bắt đầu tách ra khỏi mẹ. Từ chối ăn cũng là dấu hiệu trẻ muốn tự ăn và lớn lên về mặt cảm xúc. Không bao giờ nên dùng biện pháp mạnh để ép buộc trẻ ăn, nhưng cần tạo bầu khí vui tươi, thoải mái trong giờ ăn để giúp trẻ lớn lên theo sự phát triển của não bộ trẻ.
Nguồn: BV Nhi đồng 1