Sốt là tình trạng tăng thân nhiệt ( trên 38 độ C đo ở hậu môn) do rối loạn trung tâm điều hòa nhiệt độ dưới tác động của các nguyên nhân gây bệnh thường là các yếu tố có hại như vi khuẩn, virus, nấm, xoắn khuẩn, các phản ứng miễn dịch, các hormon điển hình là progesterol, các thuốc và các polynucleotid tổng hợp.Các chất này gọi chung là chất gây sốt ngoại sinh (pyrogens)
>>>>>>>>BÀI GIẢNG SINH LÝ BỆNH SỐT: TẢI NGAY
2. Cơ chế của sốt
Chất gây sốt ngoại sinh gây sốt thông qua một chất trung gian gọi là chất gây sốt nội sinh, đó là interleukin 1 (IL - 1) và interleukin -6 (IL-6). IL-1 và IL-6 được bạch cầu đơn nhân và đại thực bào bài tiết ra khi có tác động của các chất sinh nhiệt ngoại sinh. IL - 1 và IL-6 được máu đưa tới trung khu điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi thị rồi gắn vào các neuron cảm nhận nhiệt độ ở vùng trước thị giác của đồi thị và “đặt lại chuẩn” của trung tâm điều hòa thân nhiệt lên mức cao hơn. Khi đó làm cho thân nhiệt bình thường trở nên thấp hơn “mức chuẩn” mới làm người ta có cảm giác ớn lạnh, sởn gai ốc, run và co mạch ngoại vi làm da và niêm mạc tái. Đây là triệu chứng khởi đầu của cơn sốt và là cơ chế làm tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt đạt tới “mức chuẩn” mới thì quá trình sinh nhiệt và thải nhiệt cân bằng và sốt duy trì thân nhiệt độ ở mức cao. Khi nguyên nhân sốt được loại bỏ thì mức “nhiệt độ chuẩn” trở lại bình thường làm người bệnh cảm thấy quá nóng và thân nhiệt đang ở mức cao. Khi đó bệnh nhân bỏ chăn, vã mồ hôi, da ửng đỏ vì dãn mạch, tăng tần số thở, các phản ứng trên làm tăng thải nhiệt và sốt giảm. IL - 1 còn kích thích tổng hợp prostaglandin E1 (PGE1) gây hoạt hóa quá trình sinh nhiệt và giữ nhiệt, huy động bạch cầu từ các kho dự trữ trong tuỷ xương, gây hóa ứng động với bạch cầu tới các nơi vi khuẩn xõm nhập, làm tăng giải phóng enzym và tăng hoạt tính thực bào của bạch cầu. Đây là cơ chế bảo vệ chống lại các tác nhân gây bệnh. IL - 1 có trong các tế bào hình sao của não được giải phóng vào não gây hoạt hóa các neuron gây ngủ sóng chậm, gây ra tình trạng ngủ gà, ngủ lâu khi sốt có tác dụng bảo vệ tế bào não.
3. Ý nghĩa của sốt
Sốt là một phản ứng bảo vệ của cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh. Đây là phản ứng có lợi, nó chỉ trở nên có hại khi sốt cao quá mức do sốt làm gia tăng quá trfnh chuyển hóa và teo cơ bắp vì IL - 1 huy động các acid amin từ cơ thông qua vai trò của men cyclo oxygenase. Hiện tượng này gây ra đau mỏi cơ và teo cơ bắp do sốt. Sốt làm tăng nhịp tim, tăng tiết mồ hôi gây mất muối, mất nước, nhức đầu, sợ ánh sáng, toàn thân mệt mỏi. Người cao tuổi đang mắc các bệnh tim hoặc não thì sốt là tác động xấu. Trẻ em khi sốt cao trên 40oC dễ bị co giật
Sốt làm tăng chuyển hóa trong cơ thể dẫn đến các rối loạn glucid, lipit, protid và chức phận của các có quan trong cơ thể
- Đối với chuyển hóa Glucid: Sốt làm tăng đường huyết và acid lactic
- Đối với chuyển hóa Lipit: Sốt càng cao và càng lâu , cơ thể sẽ tăng sử dụng lipit nhiều hơn, tăng tạo ceton
-Đối với Protit: Tăng thoái hóa nhưng giảm tổng hợp protein
- Chức phận các cơ quan: Rối loạn hô hấp (thở nhanh, sâu), rối loạn tim mạch (nhịp tim nhanh,huyết áp tăng), rối loạn thần kinh ( nhức đầu, mê sảng, co giật...)...
4. Khi nào cần hạ sốt?
Khi sốt cao (nhiệt độ nách > 39oC) thì cần hạ nhiệt độ hoặc dưới < 39oC mà có yếu tố nguy cơ ví dụ như tiền sử co giật do sốt (hay gặp ở trẻ em)
5. Hạ sốt như thế nào?
Có 2 biện pháp hạ sốt
- Biện pháp vật lý: Hạ nhiệt độ bằng các phương pháp vật lý (nên được ưu tiên sử dụng trước): cởi bớt và nới lỏng quần áo cho thóang, chườm lạnh bằng đắp khăn thấm nước mát lên bẹn, nách, trán, hai bên thái dương, tưới nước muối đẳng trương lên người
- Thuốc: Thường sử dụng nhất là acetaminophen (Paracetamol), đây là thuốc hạ nhiệt an toàn và hiệu quả, đặc biệt là ở trẻ em. Trong trường hợp bệnh nhân có chống chỉ định với Acetaminophen có thể sử dụng Ibuprofen để hạ sốt hoặc dùng xen kẽ với acetaminophen khi bệnh nhân vẫn còn sốt cao sau khi đã dùng acetaminophen liều đầu mà chưa đến thời gian cho phép dùng liều thứ 2.
Aspirin cũng có tác dụng hạ sốt, tuy nhiên ngày nay thuốc này chỉ sử dụng chủ yếu trong bệnh lý tim mạch, ít sử dụng để hạ sốt do có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt thuốc liên quan đến hội chứng Reye.