Mục tiêu:
1.
Trình bày được quá trình sản sinh bạch cầu.
2.
Xác định được số lượng và công thức bạch cầu.
3.
Phân biệt được các loại bạch cầu.
4.
Phân tích được các đặc tính và chức năng của từng loại bạch cầu.
5. Nắm
được khái niệm về miễn dịch và hệ thống miễn dịch.
1.
QUÁ TRÌNH SẢN SINH BẠCH CẦU ( DOWLOAD HERE )
1.1
Nguồn gốc
Bạch
cầu có nguồn gốc từ các tế bào máu gốc vạn năng trong tủy xương, các tế bào này
sẽ biệt hóa thành 2 dòng:
- Dòng tủy: các tế bào tiền thân dòng tủy phát triển thành dòng hồng cầu, dòng
tiểu cầu và ba dòng bạch cầu là dòng hạt-mono để tạo thành bạch cầu hạt trung tính
và bạch cầu mono (sẽ phát triển thành đại thực bào), dòng ái toan để tạo
thành bạch cầu hạt ưa acid, dòng ái kiềm để tạo thành bạch cầu hạt ưa base.
-
Dòng lympho: các tế bào tiền thân dòng lympho phát triển thành hai dòng là bạch
cầu lympho T và bạch cầu lympho B. Hầu hết bạch cầu lympho rời khỏi tủy xương
trước khi chín. Bạch cầu lympho T trưởng thành trong tuyến ức, trong khi bạch
cầu lympho B phát triển và trưởng thành trong các mô bạch huyết ở ruột, lách và
tủy xương.
Hình 4.4. Quá trình sản sinh các dòng tế bào máu
1.2.
Điều hòa sản sinh bạch cầu
Điều
hòa sản sinh bạch cầu được thực hiện bằng cơ chế thể dịch với các
yếu tố do chính bạch cầu lympho, mono và đại thực bào chế tạo ra
trong quá trình tham gia các phản ứng miễn dịch. Các yếu tố này sẽ
kiểm soát quá trình tăng sinh, biệt hóa của các dòng bạch cầu:
+
Các yếu tố phát triển đa dòng như interleukin-3 (IL-3) kích thích sự
phát triển của dòng tủy.
+
Các yếu tố phát triển đơn dòng: G-CSF kích thích sự phát triển của
dòng bạch cầu hạt, M-CSF kích thích sự phát triển của dòng mono,
E-CSF kích thích sự phát triển của dòng bạch cầu hạt ưa acid. Nhiều
loại lymphokin (interleukin) và monokin khác nhau cũng kích thích sự
phát triển của các dòng bạch cầu hạt, mono, lympho.
2.
ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BẠCH CẦU
2.1.
Số lượng và đời sống bạch cầu
Số lượng bạch cầu ở người trưởng thành
bình thường khoảng 4.000-10.000/mm3 máu (4-10 x 109/L).
Ở trẻ em và phụ nữ có thai số lượng bạch cầu cao hơn. Số
lượng bạch cầu tăng trong các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính và đặc biệt tăng cao
trong bệnh bạch cầu cấp hoặc mạn tính. Số lượng bạch cầu giảm trong nhiễm độc,
nhiễm xạ, trong bệnh suy tủy.
Đời sống bạch cầu thay đổi theo từng loại. Đối với bạch cầu
hạt, sau khi được phóng thích từ tủy xương sẽ lưu hành trong máu trong 4-8 giờ,
sau đó di chuyển vào trong mô và tồn tại thêm khoảng 4-5 ngày. Nếu mô bị nhiễm
khuẩn, bạch cầu hạt sẽ được huy động đến thực hiện chức năng và tự tiêu hủy
sau đó thì đời sống có thể ngắn hơn, thậm chí chỉ còn vài giờ. Bạch cầu
mono cũng có thời gian lưu hành trong máu ngoại vi ngắn khoảng 10-20 giờ,
trước khi đi xuyên mao mạch vào mô. Sau khi vào mô, bạch cầu mono phát triển
thành đại thực bào trong mô, có thể sống nhiều tháng, nhiều năm cho đến khi
tự tiêu hủy trong quá trình thực bào. Tế bào lympho từ các hạch bạch huyết và
các mô lymphoid xâm nhập vào hệ tuần hoàn, sau vài giờ chúng vào mô, tái xâm
nhập bạch huyết rồi trở vào máu, và cứ như thế tế bào lympho liên tục tuần hoàn
đi khắp cơ thể. Đời sống của bạch cầu lympho thay đổi từ nhiều tuần đến
nhiều tháng tùy thuộc vào nhu cầu của cơ thể đối với tế bào này.
2.2. Hình dạng bạch cầu
Căn cứ vào hình dáng, kích thước trung bình, sự bắt màu
khác nhau của nhân và các loại hạt trong bào tương khi nhuộm giemsa để nhận
dạng các loại bạch cầu.
-
Ba loại bạch cầu có hạt khi nhuộm: kích thước khoảng 10-15µm
+ Bạch cầu hạt trung tính (Neutrophil): nhân chưa chia múi
hoặc chia nhiều múi màu tím đen. Bạch cầu càng già, nhân càng nhiều múi. Bào
tương có nhiều hạt rất nhỏ, mịn đều nhau, bắt màu hồng tím. Hầu hết các hạt
này là các tiêu thể chứa enzym thuỷ phân. Ngoài ra còn các hạt chứa các chất
oxy hoá mạnh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn.
+ Bạch cầu hạt ưa acid (Eosinophil): nhân thường chia hai
múi như hình mắt kính màu tím.
Bào tương có những hạt to, tròn đều nhau bắt màu đỏ cam. Các hạt này có chứa nhiều enzym peroxidase và phosphatase
acid.
+ Bạch cầu hạt ưa kiềm (Basophil): nhân thường có giới hạn
không rõ, đôi khi cho ta hình ảnh như tế bào bị vỡ nát hay hình hoa thị màu
tím đen. Bào tương có những hạt to nhỏ không đều nhau nằm đè cả lên nhân, bắt màu xanh đen. Các
hạt này có chứa nhiều heparin, histamin và một lượng nhỏ bradykinin,
serotonin.
- Hai loại bạch cầu không có hạt khi nhuộm:
+ Bạch cầu mono (Monocyte): là bạch
cầu lớn khoảng 20-25mm, nhân hình hạt đậu nằm lệch về một
phía, bào tương bắt màu xám tro, không hạt hoặc có ít hạt azur.
+
Bạch cầu lympho (Lymphocyte): loại nhỏ (9-12mm) và loại to (12-18 mm). Nhân
to tròn, màu tím sẫm chiếm gần hết tế bào. Bào tương có màu xanh lơ bao quanh
nhân, không có hạt hoặc có ít hạt azur.
2.3. Công thức bạch cầu
Có nhiều loại công thức bạch cầu khác nhau, tùy theo mục đích
thăm dò nghiên cứu, người ta có thể dùng những tiêu chuẩn khác nhau để phân
loại công thức bạch cầu. Có hai loại công thức bạch cầu thường được sử dụng:
2.3.1.
Công thức bạch cầu phổ thông
Công thức bạch cầu phổ thông là tỉ lệ
phần trăm các loại bạch cầu trong máu. Tuy nhiên, công thức này chưa nói lên
giá trị tuyệt đối do đó cần được so sánh với tổng số bạch cầu để suy ra số
lượng của từng loại bạch cầu. Ở người Việt Nam trưởng thành bình thường, công
thức bạch cầu phổ thông và trị số tuyệt đối của từng loại như sau:
Bảng 4.2. Công thức bạch cầu phổ thông và trị số tuyệt đối ở người trưởng thành bình thường
Loại bạch cầu
|
Công thức
|
Số lượng/mm3
|
Bạch cầu hạt trung tính (Neutrophil)
|
60-66%
|
1700-7000
|
Bạch cầu hạt ưa acid (Eosinophil)
|
9-11%
|
50-500
|
Bạch cầu hạt ưa base (Basophil)
|
0,5-1%
|
10-50
|
Bạch cầu mono (Monocyte)
|
2-2,5%
|
1000-4000
|
Bạch cầu lympho (Lymphocyte)
|
20-25%
|
100-1000
|
Công thức bạch cầu phổ thông giúp định
hướng nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ:
- Bạch cầu hạt trung tính: tăng trong nhiễm trùng cấp như viêm ruột thừa, viêm
phổi; giảm trong nhiễm độc kim loại nặng như Pb, As, suy tủy, nhiễm siêu vi
(quai bị, cúm, sởi…).
- Bạch cầu hạt ưa acid: tăng trong dị ứng, bệnh ký sinh trùng, các bệnh ngoài
da…; giảm trong kích động, chấn thương tâm lý, dùng thuốc ACTH, cortisol…
- Bạch cầu hạt ưa base: tăng trong bệnh bạch cầu dòng tủy; giảm trong dị ứng
cấp, dùng thuốc ACTH.
-
Bạch cầu mono: tăng
trong bễnh nhiễm khuẩn mạn tính như lao.
- Bạch cầu lympho: tăng trong ung thư máu, nhiễm khuẩn máu, ho gà, sởi, lao…;
giảm trong thương hàn nặng, sốt phát ban…
2.3.2. Công thức Arneth
Arneth nghiên cứu bạch cầu hạt trung
tính nhận thấy bạch cầu càng già nhân càng chia nhiều múi. Vì vậy công thức này
giúp thăm dò tốc độ sinh sản và phá hủy của bạch cầu.
Công thức Arneth của người Việt Nam
trưởng thành bình thường là:
Nhân có 1 múi: 2 – 4,5%
Nhân có 2 múi:
21 – 29%
Nhân có 3 múi: 36 – 42%
Nhân có 4 múi: 21 – 26%
Nhân có 5 múi: 3 – 10%
Giá
trị lâm sàng:
Nếu
có ít bạch cầu chia múi: bệnh bạch cầu cấp.
Nếu
bạch cầu 2 múi tăng nhiều: nhiễm trùng.
Nếu
bạch cầu 3 múi nhiều: bình thường.
Nếu
bạch cầu 5 múi tăng: thiếu máu ác tính.
2.4.
Các đặc tính của bạch cầu
2.4.1.
Tính xuyên mạch
Bạch cầu có thể chui qua khe hở giữa
các tế bào nội mô của mao mạch để vào các tổ chức quanh mao mạch, mặc dù những
lỗ đó có kích thước nhỏ hơn bạch cầu nhiều lần. Riêng các bạch cầu mono sau
khi xuyên mạch sẽ hợp bào lại thành đại thực bào.
2.4.2.
Tính chuyển động bằng chân giả
Mỗi khi có kích thích tại một nơi nào
đó trong cơ thể, bạch cầu chuyển động bằng cách thò tua bào tương, gọi là chân
giả, di chuyển đến tập trung tại địa điểm bị kích thích. Bạch cầu có thể chuyển
động với vận tốc trên 40mm/phút.
2.4.3
Tính hóa ứng động
Một số chất khác nhau do mô tiết ra,
có khả năng hấp dẫn bạch cầu di chuyển gọi là tính hóa ứng động (chemotaxis).
Hóa ứng động có thể dương tính khi hấp dẫn bạch cầu di chuyển tới
gần, hay âm tính khi điều khiển bạch cầu tránh xa. Những sản phẩm huỷ hoại
trong mô viêm hoặc độc tố của vi khuẩn thường là những chất gây hóa ứng
động dương.
Hình 4.5. Sự xuyên mạch và hóa ứng động dương của
bạch cầu
(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook
of Medical Physiology, 11th ed., W.B.Saunders Co, Philadelphia).
2.3.4.
Tính nhận biết và loại bỏ vật lạ
Các
bạch cầu có nhiệm vụ quan trọng là tham gia đáp ứng miễn dịch bảo vệ cơ thể, do
đó chúng có đặc tính nhận biết vào loại bỏ các vật lạ bằng nhiều cách khác
nhau.
* Thực bào:
Không phải bạch cầu nào cũng có khả
năng thực bào. Khả năng thực bào lớn nhất thuộc về đại thực bào, tiếp theo là
bạch cầu hạt trung tính (tiểu thực bào), bạch cầu hạt ưa acid cũng có khả năng
thực bào nhưng yếu hơn. Quá trình thực bào gồm các giai đoạn:
- Bắt giữ vật lạ: những nơi viêm là
nơi tập trung nhiều bạch cầu, tại nơi đó bạch cầu thò chân giả bắt giữ các vi
khuẩn, mảnh tế bào chết và cả các hạt bụi bằng cơ chế nhập bào. Khả năng bắt
giữ vật lạ của bạch cầu sẽ tăng lên khi vật lạ có bề mặt thô nhám, gồ ghề, tích
điện trái dấu hoặc bị opsonin hóa. Opsonin hóa là hiện tượng vật lạ được bao
bằng bổ thể và kháng thể, khi đó khả năng thực bào có thể tăng lên gấp hàng
trăm lần.
- Tiêu diệt vi khuẩn: bạch cầu bắt giữ
vật lạ trong các túi thực bào. Trước khi tiêu hóa vật lạ, các tác nhân oxy hóa
mạnh như hydrogen peroxid (H2O2), superoxid (O2-),
hydroxyl có trong bạch cầu sẽ thấm vào túi thực bào và giết chết vi khuẩn bằng
cách oxy hóa những chất hữu cơ của vi khuẩn.
- Tiêu hóa vật lạ: túi thực bào sẽ hòa màng với lysosom
thành túi tiêu hóa, các enzym thủy phân trong lysosom sẽ phân cắt các
chất được hấp thu, các chất dinh dưỡng được đưa vào bào tương tế
bào, các chất cặn bã được đào thải bằng cơ chế xuất bào. Tuy nhiên,
khả năng tiêu hóa còn phụ thuộc vào việc vật lạ có cấu trúc phù hợp với hệ
enzym của bạch cầu hay không, nói cách khác không phải tất cả các vật lạ được
bắt giữ đều bị tiêu hóa.
* Phản ứng kháng nguyên-kháng thể:
Hoạt động của bạch cầu lympho, bạch
cầu hạt ưa kiềm là những ví dụ điển hình của đặc tính tham gia phản ứng kháng
nguyên-kháng thể để chống lại các vật lạ với nhiều hình thức khác nhau bằng các
sản phẩm của bạch cầu.
3.
CHỨC NĂNG CỦA BẠCH CẦU
3.1.
Chức năng của bạch cầu hạt trung tính
Chức năng chính của bạch cầu hạt trung tính là tham gia đáp ứng miễn dịch
tự nhiên (miễn dịch không đặc hiệu) bằng hoạt động thực bào góp phần tạo phản
ứng viêm cấp.
Từ những giờ đầu của phản ứng viêm, khi các tác nhân như vi
khuẩn gây tổn thương và hủy hoại tổ chức mô, sẽ dẫn đến tình trạng ứ trệ tuần
tuần hoàn tại chỗ tạo điều kiện cho các bạch cầu hạt trung tính xuyên mạch và
tập trung đến vùng bị tổn thương bằng cử động amip. Trong 6-12 giờ đầu, bạch
cầu hạt trung tính giữ vai trò chính để chống đỡ với tác nhân gây bệnh bằng
cách thực bào chúng.
Bạch cầu hạt trung tính vận động và thực bào rất tích cực nhưng không
chọn lọc (không đặc hiệu). Chúng có thể tiêu hóa nhiều loại vi khuẩn,
mô tổn thương và các sản phẩm của mô tổn thương, các sợi fibrin của cục
máu đông. Sau khi thực bào chúng sẽ bị nhiễm độc và chết dần. Mỗi bạch cầu
hạt trung tính có thể thực bào tối đa khoảng 5-20 vi khuẩn.
3.2.
Chức năng của bạch cầu hạt ưa acid
- Thực bào: bạch cầu hạt ưa acid thực
bào yếu hơn so với bạch cầu hạt trung tính. Chúng thường được hấp dẫn theo hóa
ứng động dương đến những nơi đã xảy ra phản ứng kháng nguyên - kháng thể để
thực bào và tiêu hóa các phức hợp kháng nguyên – kháng thể sau khi quá trình
miễn dịch đã hoàn thành.
- Khử độc các protein lạ trước khi
chúng có thể gây hại cho cơ thể: bạch cầu ưa acid thường tập trung ở niêm mạc
đường tiêu hóa và hô hấp nơi mà các protein lạ thường xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra, bạch cầu hạt ưa acid cũng tăng trong phản ứng dị ứng vì phản ứng dị
ứng có các protein lạ.
- Chống ký sinh trùng: bạch cầu hạt ưa
acid gắn vào ký sinh trùng , giải phóng ra những chất diệt ký sinh trùng như
men thủy phân, polypeptid để giết ấu trùng của ký sinh trùng.
- Làm tan cục máu đông: bạch cầu hạt
ưa acid di chuyển đến cục máu đông, tại đó chúng giải phóng ra chất
plasminogen, chất này được hoạt hóa thành plasmin, làm tiêu các sợi fibrin dẫn
đến tan cục máu đông.
3.3.
Chức năng của bạch cầu hạt ưa base
Bạch cầu hạt ưa base hiếm gặp trong
máu và có cấu trúc rất giống các dưỡng bào cư trú trong các mô liên kết ngoài
mạch máu. Bạch cầu hạt ưa base và dưỡng bào không có khả năng vận động và thực
bào, nhưng chúng có những chức năng sau:
- Giải phóng heparin vào máu để ngăn
ngừa quá trình đông máu trong lòng mạch.
- Giải phóng histamin và một lượng nhỏ
bradykinin, serotonin tham gia vào các phản ứng dị ứng: globulin miễn dịch gây
ra phản ứng dị ứng là IgE có khuynh hướng gắn trên màng của bạch cầu hạt ưa
base và dưỡng bào. Khi có một kháng nguyên đặc hiệu phản ứng với kháng thể IgE sẽ
làm bạch cầu hạt ưa base và dưỡng bào vỡ ra và giải phóng histamin, bradykinin
gây dãn mạch, tăng tính thấm thành mạch.
3.4.
Chức năng của bạch cầu mono-đại thực bào
Sau khi được sinh ra ở tủy xương, bạch
cầu mono đi vào máu bằng hình thức xuyên mạch. Trong máu, bạch cầu mono là
những tế bào có kích thước lớn nhất và chưa trưởng thành nên chúng không có khả
năng tấn công và phá hủy các tác nhân gây bệnh. Bạch cầu mono chỉ tồn tại trong
máu khoảng vài giờ rồi đi vào các mô. Ở mô, nhiều bạch cầu mono nhanh chóng hợp
bào lại thành đại thực bào: tế bào phồng to lên, kích thước có thể tăng gấp 5
lần, đa nhân, trong bào tương chứa một lượng lớn lysosom, ty lạp thể làm cho
bào tương trông giống một cái túi chứa đầy hạt, tế bào thời kỳ này được gọi là
đại thực bào (macrophage) là dạng trưởng thành của mono bào. Các đại thực bào
này sẽ gắn với mô gọi là đại thực bào cố định với những tên gọi khác nhau như
tế bào Kupffer (đại thực bào ở gan), tế bào bụi (đại thực bào phế nang), hủy
cốt bào (đại thực bào ở xương)… Chúng ở tại mô hàng tháng hoặc hàng năm, cho
đến khi có các kích thích thích hợp chúng sẽ tách khỏi mô để trở thành đại thực
bào lưu động, đi đến vùng viêm nhiễm theo cơ chế hóa ứng động. Chức năng của đại
thực bào là tham gia đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu:
- Thực
bào: cũng giống như bạch cầu hạt trung tính, đại thực bào có khả
năng thực bào không chọn lọc các tác nhân gây bệnh, hạt bụi, mô tổn
thương và các sản phẩm của mô tổn thương trong phản ứng viêm không đặc
hiệu… Tuy nhiên khả năng thực bào của đại thực bào có những điểm khác
bạch cầu hạt trung tính:
+ Khả năng thực bào lớn hơn rất
nhiều so với bạch cầu hạt trung tính. Đại thực bào có khả năng thực bào khoảng
100 vi khuẩn và kích thước của những vật bị thực bào cũng lớn hơn rất nhiều như
hồng cầu già, bạch cầu hạt trung tính bị chết, ký sinh trùng sốt rét, các mô
hoại tử…
+ Trong vài phút đầu của phản
ứng viêm, đại thực bào ở mô đã tấn công vi khuẩn nhưng số lượng đại
thực bào lúc này còn ít. Cùng lúc đó, một lượng lớn mono bào từ máu
vào mô và biến đổi nhanh chóng thành đại thực bào xâm nhập vào vùng tổn
thương. Như vậy, giai đoạn sau của hiện tượng viêm, từ giờ thứ 10-12, các bạch
cầu hạt trung tính không còn hiệu quả thực bào như các đại thực bào nữa. Đại
thực bào cũng đóng vai trò quan trọng trong những bệnh nhiễm khuẩn mạn tính.
- Khuếch đại phản ứng viêm không đặc
hiệu: dưới sự kích thích của các yếu tố gây viêm, đại thực bào sẽ phóng thích
một loạt các cytokin như interleukin-1 (IL-1), yếu tố hoại tử khối u α (Tumor Necrosis Factor α:
TNF α), IL-6, IL-8, IL-12. Các yếu tố này có tác dụng khuếch
đại phản ứng viêm tại chỗ và toàn thân.
- Trình diện kháng nguyên: thực bào là một phần
của đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu nhưng đồng thời nó cũng là bước khởi đầu
cho đáp ứng miễn dịch đặc hiệu mà trong đó đại thực bào đóng vai trò quan
trọng. Sau khi bắt giữ và tiêu hóa tác nhân xâm nhập, đại thực bào sẽ xử lý và trình diện kháng nguyên của tác
nhân đó, nói cách khác là nhận diện và truyền các thông tin về kháng nguyên cho
các bạch cầu lympho B và T cư trú tại các hạch bạch huyết gần khu vực kháng
nguyên xâm nhập. Quá trình trình diện kháng nguyên rất phức tạp, được thực hiện nhờ phức hợp hòa hợp mô lớp II (major
histocompatibility complex class II: MHC II). MCH II của đại thực bào sẽ
gắn với kháng nguyên lạ và đưa nó ra bề mặt đại thực bào để giới thiệu với các
bạch cầu lympho.
3.5.
Chức năng của bạch cầu lympho
Bạch cầu lympho là những tế bào tham
gia đáp ứng miễn dịch đặc hiệu với hai loại: lympho B - đáp ứng miễn dịch
dịch thể và lympho T - đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào.
3.5.1.
Chức năng của bạch cầu lympho B
- Quá trình biệt hóa: khi đại thực bào
giới thiệu các sản phẩm kháng nguyên cho các lympho B ở gần, những lympho B mẫn
cảm đặc hiệu với các kháng nguyên này sẽ tăng sinh và chuyển dạng thành nguyên
bào lympho.
+ Một số nguyên bào lympho biệt hóa
thành nguyên tương bào (plasmoblast). Nguyên tương bào phân chia rất nhanh và
biệt hóa thành tương bào là những tế bào sản xuất ra kháng thể globulin với tốc
độ rất nhanh (2000 phân tử/giây). Kháng thể được bài tiết vào bạch huyết rồi
vào máu.
+ Một số nguyên bào lympho phân chia
và biệt hóa thành các lympho mới, đó là các tế bào nhớ, các tế bào này khu trú
trong tổ chức bạch huyết ở dạng không hoạt động cho đến khi chúng bị kích thích
bởi lần xâm nhập thứ hai cùng một kháng nguyên. Khi đó, kháng thể được sản xuất
ra nhanh hơn và mạnh hơn rất nhiều so với lần đầu.
- Đáp ứng miễn dịch dịch thể: các
kháng thể được sản xuất ra, vào máu đến nơi có các kháng nguyên, nó có thể trực
tiếp hoặc gián tiếp tấn công các tác nhân lạ:
+ Tác dụng trực tiếp: kháng thể có thể
làm bất hoạt tác nhân xâm nhập bằng các hình thức: ngưng kết, kết tủa, trung
hòa, làm tan kháng nguyên. Tuy nhiên, tác dụng trực tiếp này không đủ mạnh để
bảo vệ cơ thể.
+ Tác dụng gián tiếp: tác dụng này
đóng vai trò chủ yếu trong bảo vệ cơ thể và được thực hiện thông qua việc hoạt
hóa bổ thể. Khi kháng thể gắn với kháng nguyên đặc hiệu, vị trí hoạt động trên
phân tử kháng thể được hoạt hóa. Phần hoạt hoá này sẽ gắn với phân tử C1
của hệ thống bổ thể gây ra một chuỗi phản ứng bổ thể theo kiểu dây chuyền. Các
sản phẩm hoạt hoá của hệ thống bổ thể có nhiều tác dụng quan trọng để tiêu diệt
tác nhân xâm nhập như: hoạt hoá khả năng thực bào của bạch cầu hạt trung tính
và đại thực bào, làm vỡ màng của vi khuẩn hoặc tác nhân lạ, làm ngưng kết,
trung hòa virus, hoạt hoá dưỡng bào và bạch cầu hạt ưa kiềm gây phản ứng viêm.
3.5.2.
Chức năng của bạch cầu lympho T
- Quá trình biệt hóa: khi đại thực bào
giới thiệu các sản phẩm kháng nguyên cho các lympho T ở gần, những lympho T mẫn
cảm đặc hiệu với các kháng nguyên này sẽ tăng sinh và chuyển dạng thành lympho
cảm ứng.
+ Một số lympho T cảm ứng được hoạt
hóa tạo ra 3 loại lympho T chính là: T giúp đỡ (Th: helper) kích thích sự
phát triển và sinh sản của các lympho T độc, T ức chế, lympho B, hoạt động
bạch cầu hạt trung tính và đại thực bào; T độc (Tc: cytotoxic) trực tiếp
tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh và khuếch đại khả năng thực bào của đại thực
bào; T ức chế (Ts: suppressor) có
tác dụng ức chế lympho Tc và Th làm cho đáp ứng miễn dịch không phát triển
quá mức.
+ Một số tế bào lympho T cảm ứng phân
chia và biệt hóa thành các tế bào nhớ. Khi kháng nguyên này xâm nhập lần hai,
nhờ các tế bào nhớ này mà sự giải phóng các lympho cảm ứng nhanh hơn và nhiều
hơn.
- Đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế
bào: tại tổ chức, lympho T cảm ứng sẽ tiêu diệt kháng nguyên trực tiếp hoặc
gián tiếp như sau:
+ Tác dụng trực tiếp: khi lympho cảm
ứng loại Tc kết hợp với kháng nguyên nằm trên màng tế bào nhiễm bệnh, nó sẽ phồng
to lên và giải phóng ra những men thủy phân của lysosom để tiêu diệt tế bào bệnh.
+ Tác dụng gián tiếp: khi lympho cảm
ứng loại Th và Tc kết hợp với các kháng nguyên đặc hiệu trên màng tế bào trình
diện kháng nguyên, nó sẽ giải phóng một số lymphokin vào các mô xung quanh. Các
lymphokin này sẽ khuếch đại tác dụng phá hủy kháng nguyên của lympho T lên
nhiều lần (yếu tố chuyển dạng lympho bào: TF), hấp dẫn đại thực bào đến gần (yếu
tố hấp dẫn đại thực bào) và ngăn cản sự di tản của các đại thực bào đang ở gần
tế bào lympho cảm ứng (yếu tố ức chế di tản bạch cầu: M.I.F). Các lympho T cảm
ứng còn khuếch đại tác dụng thực bào của bạch cầu hạt trung tính và đại thực
bào, hỗ trợ lympho B trong quá trình sản xuất ra kháng thể.
Hình 4.6. Đáp ứng miễn dịch đặc hiệu của cơ thể
(Nguồn: Guyton A.C. (2006), Textbook
of Medical Physiology, 11th ed., W.B.Saunders Co, Philadelphia).
4. HỆ THỐNG MIỄN DỊCH
Miễn dịch là khả năng nhận diện và
loại bỏ các vật lạ. Hệ thống miễn dịch được chia thành hai loại: miễn dịch
không đặc hiệu (miễn dịch tự nhiên) và miễn dịch đặc hiệu (miễn dịch thu
được).
4.1. Hệ thống miễn dịch không đặc
hiệu
Miễn dịch tự nhiên là khả năng tự
bảo vệ sẵn có, xuất hiện ngay từ lúc mới sinh ra và không đòi hỏi phải có sự
tiếp xúc trước với các kháng nguyên của vật lạ. Hệ thống miễn dịch tự
nhiên bao gồm:
-
Hàng rào vật lý: da, niêm mạc ngăn cách nội môi và ngoại môi.
-
Hàng rào hóa học:
+
Trên da và niêm mạc: acid lactic, acid béo của da; lysozym của dịch tiết
niêm mạc ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn.
+
Trong cơ thể là huyết thanh có chứa: lysozym, protein phản ứng C (C
reactive protein), bổ thể, interferon… Bổ thể với bản chất là protein, là
một hệ thống gồm nhiều thành phần, được hoạt hóa theo một trình tự nhất định.
Khi được hoạt hóa, bổ thể sẽ được cắt thành nhiều phần khác nhau, mỗi phần sẽ
có vai trò riêng, ví dụ C3a, C5a có tác dụng hóa ứng động bạch cầu, gây giãn
mạch, giải phóng các hóa chất trung gian từ bạch cầu hạt ưa base. Interferon
cũng có bản chất là protein được sản xuất bởi nhiều loại tế bào, có vai
trò chống sự lây lan của virus ở các tế bào cùng loại một cách không đặc
hiệu. Khi virus xâm nhập vào tế bào, tế bào bị nhiễm virus sẽ sản sinh
ra interferon thấm vào các tế bào xung quanh, giúp chúng không bị virus
xâm nhập tiếp.
-
Hàng rào tế bào: các tế bào có khả năng thực bào mà quan trọng nhất là
bạch cầu hạt trung tính và mono - đại thực bào được di chuyển từ máu
ra mô, đây là hàng rào quan trọng và phức
tạp nhất. Hoạt động của hàng rào này sẽ tạo ra phản ứng viêm
không đặc hiệu. Ngoài ra, hàng rào tế bào còn có sự tham gia của tế bào diệt tự nhiên (NK: natural killer),
một biến thể của bạch cầu lympho hiện diện ở lách, hạch, tuỷ đỏ và máu, chúng
thường tấn công và tiêu diệt không đặc hiệu các tế bào khối u tiên phát và tế
bào chứa virus bằng chất tiết perforin của chúng.
-
Hàng rào thể chất: đặc điểm về hình thái và chức năng sẽ quyết định tính phản
ứng của từng cơ thể đối với các yếu tố xâm nhập khác nhau.
4.2. Hệ thống miễn dịch đặc hiệu
Miễn dịch đặc hiệu là trạng thái
miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã được tiếp xúc với kháng nguyên, bao gồm: miễn
dịch dịch thể với vai trò của lympho B và miễn dịch qua trung gian tế bào
với vai trò của lympho T. Trong đáp ứng miễn dịch đặc hiệu, cơ thể có
nhiều cách tương tác với kháng nguyên khác nhau thông qua phản ứng viêm đặc
hiệu để đạt mục đích cuối cùng là vô hiệu hóa kháng nguyên và loại kháng
nguyên ra khỏi cơ thể.